
Thưa PGS.TS Trần Minh Điển, là bệnh viện thứ 2 trong toàn quốc triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa thông qua nền tảng Viettel Telehealth và ngày hôm nay chính thức khai trương Trung tâm khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ tận dụng nền tảng trực tuyến này vào việc hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới như thế nào?
PGS.TS Trần Minh Điển: Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về Nhi khoa. Với Telehealth, hiện tại chúng tôi kết nối được gần 170 điểm cầu ở khu vực phía Bắc bao gồm các bệnh viện Nhi và Sản nhi các tỉnh, khoa Nhi của các bệnh viện đa khoa tỉnh và 1 số bệnh viện tuyến huyện. Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ thành lập ban điều hành dự án Khám chữa bệnh từ xa, có cả số hotline để đảm bảo sự kết nối cả trong những tình huống cấp cứu gấp gáp. Chúng tôi hướng đến 2 cụm hỗ trợ:
Thứ nhất là nhóm bệnh nhân khó, bệnh nhân phức tạp. Với những bệnh nhân này, chúng tôi sẽ chuẩn bị hỗ trợ tốt nhất về các chuyên gia lâm sàng, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, chuyên gia về hệ thống xét nghiệm… tham gia hội chẩn để giúp các bác sĩ tuyến dưới hiểu rõ nhất về tình trạng bệnh.

Người bệnh không cần phải đi xa, chỉ ở tại chỗ tại các bệnh viện tuyến dưới mà vẫn được chẩn đoán 1 cách rõ hơn, có được giải pháp điều trị chính xác hơn, có cần chuyển tuyến hay điều trị tại chỗ.
Thứ 2, chúng tôi cam kết hỗ trợ các bệnh viện tham gia dự án trong những tình huống bệnh nhân cấp cứu. Là bệnh viện lớn, đầu ngành về Nhi khoa, chúng tôi luôn sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao 24/7.
Các chuyên gia của các chuyên khoa nhi sâu đều sẵn sàng trong cả ngày trực và ngày lễ để đảm bảo khi có tình huống cấp cứu cần trợ giúp. Điều này giống như là “kích hoạt đỏ”, khởi động một hệ thống hỗ trợ online đến các miền xa xôi, cách trở về mặt địa lý như huyện đảo Cô Tô chẳng hạn.
Để làm được điều này, Telehealth đã giúp chúng tôi về mặt kỹ thuật, đường truyền để kết nối 2 bên. Chúng tôi đã sẵn sàng để giúp đỡ các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện Nhi và Sản Nhi các tỉnh ở trong khu vực phía Bắc này.
Vâng, PGS vừa mới đề cập đến việc “kích hoạt đỏ”, hỗ trợ cấp cứu online tới tận vùng miền xa xôi nhất. Điều này có chứng minh cho việc Telehealth đã xoá bỏ được khoảng cách địa lý trong y tế không?
PGS.TS Trần Minh Điển: Như bạn đã thấy trong buổi hội chẩn trực tuyến ngày hôm nay, chúng tôi đã tiến hành tư vấn cho ca bệnh từ đảo Cô Tô – Quảng Ninh. Với khoảng cách địa lý và khó khăn trong giao thông, việc vận chuyển bệnh nhân từ huyện đảo Cô Tô vào đất liền gặp rất nhiều trở ngại.
Nhưng ca bệnh này đã được các bác sĩ tuyến trung ương tư vấn và hội chẩn từ xa, bệnh nhân được điều trị tại chỗ, bỏ qua được khâu vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đó chính là ví dụ về xoá bỏ khoảng cách địa lý cho thụ hưởng chất lượng y tế của người bệnh
Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề kỹ thuật. Phải có sự đảm bảo về đường truyền, máy móc thiết bị chuyển tải những hình ảnh có độ phân giải cao.
Ví dụ trong buổi hội chẩn hôm nay có những hình ảnh cộng hưởng từ, nếu không có đường truyền tốt, đảm bảo được độ sắc nét nhất có thể, thì sẽ rất khó khăn cho các chuyên gia trong việc đọc những tổn thương trên người bệnh.
Điểm tốt là, như bạn thấy đó, thông qua hệ thống Viettel Telehealth, chúng ta đã giải quyết rất tốt vấn đề đó. Hình ảnh từ các bệnh viện tuyến dưới truyền về Trung tâm chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Nhi Trung ương rất rõ nét, đảm bảo được chất lượng của buổi hội chẩn.

Thưa PGS, việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ vùng sâu, vùng xa sẽ là một trong hai nhiệm vụ chính mà Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ chú trọng sau khi triển khai hệ thống Telehealth?
PGS.TS Trần Minh Điển: Hiện nay, khoảng cách về kiến thức của nhân viên y tế giữa tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương đang là 1 thách thức đối với ngành y tế Việt Nam. Ở tuyến dưới, các bác sĩ không có nhiều cơ hội trải nghiệm qua nhiều loại bệnh tật, phương tiện thiết bị cận lâm sàng thiếu, cơ hội học tập, đào tạo liên tục chuyên môn.
Chúng tôi sẽ cung cấp, cập nhật kiến thức cho các bác sĩ thường xuyên, hy vọng với kiến thức, kinh nghiệm của bác sĩ ở tuyến trung ương sẽ giúp cho các bác sĩ tuyến dưới nâng cao trình độ. Khi trình độ của bác sĩ tuyến dưới được nâng lên thì người bệnh ở các tuyến sẽ được hưởng lợi đầu tiên ngay từ những thăm khám ban đầu.

Về yếu tố nhân lực, chúng tôi tự hào về chất lượng nguồn nhân lực rất cao. Chúng tôi có 400 bác sĩ trong đó có đến hơn 100 tiến sĩ và bác sĩ CKII về đúng chuyên ngành Nhi khoa. Chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ và đào tạo cho các đồng nghiệp của mình ở các tuyến.
Đào tạo là vấn đề quan trọng mà chúng tôi rất chú trọng. Bệnh viện Nhi Trung ương đã tham gia nhiều dự án như dự án 1816, dự án bệnh viện vệ tinh… và thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo. Các học viên trực tiếp lên học tập tại Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc chúng tôi cử người xuống các tuyến để cầm tay chỉ việc với những thủ thuật, kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh.
Khi có Telehealth, hình thức đào tạo từ xa cũng tương tự như khi đào tạo trực tiếp nhưng nâng cao hơn, tức là mỗi trường hợp đều được cả 2 bên cùng xem xét 1 cách kỹ lưỡng nhất có thể.
Và như thế, người bệnh sẽ được hưởng lợi như thế nào từ chương trình khám chữa bệnh từ xa, thưa PGS?
PGS.TS Trần Minh Điển: Như tôi đã nói ở trên, trong hình thức đào tạo từ xa, mỗi trường hợp đều được chuyên gia ở bệnh viện tuyến trên cùng các bác sĩ ở tuyến dưới xem xét một cách kỹ lưỡng nhất có thể. Và người bệnh sẽ được hưởng lợi từ hình thức khám chữa bệnh từ xa là sai sót y tế được giảm bớt, những can thiệp không cần thiết cho người bệnh cũng được giảm bớt, thái độ của nhân viên y tế với bệnh nhân sẽ tốt lên rất nhiều. Như vậy, người được hưởng lợi hơn tất cả là người bệnh, sau đó là nhân viên y tế được nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm điều trị…

Trong buổi khai trương hệ thống Khám chữa bệnh từ xa hôm nay, lần đầu tiên Bệnh viện Nhi Trung ương kết nối tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với chuyên gia Mỹ thông qua hệ thống Viettel Telehealth. Thưa ông, liệu những cơ hội trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế có diễn ra thường xuyên trong tương lai?
PGS.TS Trần Minh Điển: Thật ra, chúng tôi đã và đang sử dụng hệ thống Telehealth này vào việc trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế từ đầu năm 2020.
Thời gian này, ngay từ đầu dịch Covid-19, Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên trên thế giới tổ chức buổi tập huấn liên quan đến phổ biến kiến thức nhằm ứng phó với Covid-19 có sự tham gia của 12.000 bác sĩ và nhân viên y tế tại 273 điểm cầu, trong đó có cả bài giảng của chuyên gia quốc tế.
Buổi tập huấn, như bạn đã thấy qua phát biểu của đại điện Tổ chức ECHO (Mỹ) trong buổi khai trương hôm nay, đã gây được sự vang dội không những chỉ trong hệ thống ECHO mà còn trên toàn thế giới, tạo nguồn cảm hứng cho ECHO thực hiện một chuỗi các buổi tập huấn tiếp theo cho 900 trung tâm tại 168 quốc gia…

Tại Việt Nam, rất nhiều bệnh viện ở các tuyến tỉnh, tuyến huyện, thậm chí có cả trường học đã tham gia để nâng cao kiến thức về Covid-19. Xu hướng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chuyên môn như thế này.
Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện tuyến cuối, có rất nhiều trường hợp bệnh khó, bệnh nặng chúng tôi rất cần tham vấn chuyên gia quốc tế. Trong những trường hợp đó, chúng tôi kết nối với chuyên gia quốc tế, các đồng nghiệp các tuyến của chúng tôi, kể cả bệnh viện huyện đều có thể tham gia học tập được. Một bác sĩ ở tuyến huyện có thể tham gia vào những chương trình như vậy thì sẽ học tập được nhiều kiến thức, nâng cao trình độ trong việc khám chữa bệnh.
Xin cảm ơn PGS.TS Trần Minh Điển về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: Soha.vn – Xem Link Gốc
- 9 suy nghĩ ‘tưởng đúng mà sai’ về gàu
- 4 ‘chiêu’ phối đồ với váy dài để sở hữu style xinh sang trong mùa lạnh
- Tẩy tế bào chết cho mặt và cơ thể đúng cách để da luôn căng mướt, khỏe đẹp
- 8 mẹo hay trong cuộc sống bạn cần phải biết
- Nỗi sợ hãi đe dọa vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ khiến nguy cơ bùng phát mạnh hơn cả dịch bệnh